Ước tính, hiện có khoảng 500.000 container phế liệu đang lênh đênh trên biển khu vực Đông Nam Á, phải tìm bến đỗ,sau khi Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu rác lớn nhất thế giới đã ra lệnh cấm nhập khẩu 24 loại rác thải cuối năm 2017, vì vậy nếu VN không dựng hàng rào an toàn thì có thể trở thành bến đỗ của phế liệu.

Điều đó được cảnh báo tại cuộc họp vào ngày 12.7 giữa Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN – MT) với Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ GTVT… tìm giải pháp ngăn chặn phế thải tràn vào VN. Ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết sau khi Trung Quốc dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu, các nước thường xuyên xuất khẩu chất thải rắn, phế liệu như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, một số nước Bắc Âu… phải tìm đối tác, thị trường nhập khẩu mới như VN, Thái Lan, Malaysia… Do đó, một số lượng lớn hàng phế liệu nhập khẩu từ các nước phát triển đã tràn về khu vực Đông Nam Á. 

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2016, kim ngạch nhập khẩu phế liệu nhựa, giấy và sắt thép là khoảng 4,6 triệu tấn. Tới năm 2017, mặt hàng này đã gia tăng tới hơn 6,5 triệu tấn. Đặc biệt, chỉ 6 tháng đầu năm 2018, đã có tới hơn 4 triệu tấn nhựa, giấy và sắt thép phế liệu về Việt Nam, tức là gần bằng số liệu cả năm 2016 và khoảng gần 2/3 lượng phế liệu nhập khẩu năm 2017.

Đáng nói, nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường nên doanh nghiệp không đến làm thủ tục hải quan hoặc không được cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan. Điều này dẫn đến tình trạng có một lượng lớn các loại phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam. Số liệu rà soát cho thấy, riêng số container tồn tại cảng Cát Lái, TP.HCM tính đến ngày 25-7 đã là 3.579 container. Phần lớn trong số này là các container đã tồn quá 90 ngày (2.323 container). Còn tại cảng Hải Phòng, số liệu tính tới ngày 5-7 là 1.485 container với 853 container tồn quá 90 ngày.

Cơ chế quản lý, kiểm soát nhập khẩu phế liệu của VN còn nhiều khe hở, nếu không kịp thời  điều chỉnh lại, VN rất có thể phải đối mặt với nguy cơ trở thành bãi thải của thế giới. Trong đó, giữa các cơ quan liên ngành như Bộ Tài chính, TN-MT, Công thương, GTVT, Công an, Quốc phòng… và các đơn vị chuyên môn của địa phương chưa có cơ chế phối hợp. Hiện chưa có quy định pháp lý để ràng buộc trách nhiệm và chế tài xử phạt đối với chủ tàu, chủ hãng vận tải biển quá cảnh trong vận chuyển phế liệu nhập khẩu… nên khi có vi phạm về vận chuyển sai hàng hóa là phế liệu nhập khẩu hoặc vượt quy chuẩn cho phép, hoặc gian lận thương mại, thì không thể xử lý trách nhiệm của chủ tàu, chủ hãng vận tải biển. Đáng lo ngại nhất là nước ta chưa có cơ chế phòng ngừa, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài. Chỉ khi tàu cập cảng, hàng hóa được vận chuyển sắp xếp lên bờ mới làm thủ tục thông quan, kiểm tra giấy phép nhập khẩu phế liệu. Do đó, chúng ta luôn bị động phải đối phó với những chủ tàu, chủ hàng cố tình vi phạm, gian lận nhập phế liệu không đạt chuẩn về.Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan có biện pháp ngăn chặn tốt hơn nữa tình trạng nhập phế liệu, nhất là số phế liệu nhập về đang tồn đọng tại các cảng hiện nay. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông – Vận tải chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, các địa phương, các bộ liên quan xử lý tiêu hủy, di dời các container phế liệu tồn đọng tại các cảng biển.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu điều tra, xử lý, truy đến cùng các container phế liệu đã vào Việt Nam mà không có người nhận, chiếm không gian lớn tại các cảng; Làm rõ nguyên nhân, khởi tố một số vụ vi phạm luật môi trường, nhập phế liệu trái phép vào Việt Nam để răn đe; Rà soát lại tất cả các giấy phép còn hạn ngạch, không cấp mới giấy phép doanh nghiệp nhập phế liệu.

Theo người đứng đầu Chính phủ, nhập nhiều rác thải là kéo lùi sản xuất, đi lệch định hướng phát triển, đi ngược mục tiêu nâng cấp nền sản xuất của Việt Nam và gây nguy hại đến môi trường sống của người dân.

Ông Trần Thế Cường, Trưởng phòng Dịch vụ vận tải – Cục Hàng hải (Bộ GTVT), cho rằng trước khi hàng hóa phế liệu vào cảng, cần làm rõ: chủ hàng là ai? Hàng hóa nhập khẩu cụ thể là gì?… Nếu không trả lời được các câu hỏi trên thì cần tạm dừng việc nhập hàng phế liệu lên cảng vì nếu không phế liệu sẽ về ồ ạt. Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết sẽ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan liên quan để kiểm soát nhập khẩu phế liệu, phòng ngừa từ nước ngoài. Bộ cũng nêu kiến nghị Chính phủ xem xét đối với những chủng loại hàng hóa mà hiệu quả thấp, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thì cần loại bỏ.Cần kiên quyết không cho dỡ hàng nếu không có giấy phép, không rõ người nhận. Hàng vô chủ thì kiên quyết không cho bốc dỡ lên bờ, không thể để bị lợi dụng đưa hàng phế liệu vào nước ta. Đối với hàng hóa là phế liệu thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất nhưng chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường thì cơ quan hải quan xác định không đủ cơ sở để xem xét thông quan. Theo đại diện Tổng cục Hải quan bước đầu cơ quan này đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp có hành vi gian lận, nhập khẩu phế liệu không đáp ứng về điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật. 

Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan này đã tập trung vào đấu tranh làm rõ nhiều hành vi vi phạm như: làm giả giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu, sửa chữa thời gian thực hiện, khối lượng, chủng loại phế liệu được xác nhận nhập khẩu; làm giả, sửa chữa thông báo nhập khẩu phế liệu của các cơ quan có thẩm quyền.

Hiện nay, nguyên nhân chính dẫn đến việc tồn đọng lượng lớn container hàng phế liệu là do vướng mắc về thủ tục thời gian xử lý hàng tồn quá lâu và việc quản lý cấp phép nhập phế liệu vẫn còn buông lỏng. Do vậy việc cải cách thủ tục hành chính để giảm thời gian thông quan và tránh sự chồng chéo trong việc cấp phép nhập khẩu là các yêu cầu hàng đầu với nhà nước.

Với các DN nhập khẩu về cảng nhưng không có giấy phép, vi phạm về tỷ lệ tạp chất, chất độc hại phải buộc tái xuất nhưng thực tế xuất đi thì dễ, nhận lại rất khó. Do vậy nhà nước phải có cơ chế phải tập trung nguồn lực tiến hành kiểm định, phân loại rác tại cảng ngay lập tức vì phế liệu dùng tái sản xuất được còn có thể cho bán đấu giá để sản xuất trong nước, nhưng với rác thải bỏ, không tái xuất được, không lấy tiền phạt được từ nhà nhập khẩu, thì nhà nước phải mất chi phí để xử lý, ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường.

 

Leave a Comment